Page 1 of 1

Xin lỗi em chỉ là con đĩ

PostPosted: January 03, 2014
by devil
Gã đến khu trọ vào cuối tuần trước. Cửa phòng lúc nào cũng đóng im ỉm. Gã ngồi lỳ trong phòng, làm một việc nghe có vẻ mùi mẫn, đó là viết lách. Nhưng đã gần một tuần nay, những trang bản thảo của gã vẫn trống trơn. Đêm nào cũng vậy, gã chỉ viết được vài ba chữ ra giấy rồi xé toạc, vo viên vứt vào góc. Gã cảm thấy bế tắc và tức tối khi cảm xúc bị đứt mạch một cách phũ phàng bởi những âm thanh quỷ quái làm phiền gã trong đêm. Tiếng vặn răng rắc của cánh cửa gỗ bị cong vênh, tiếng giường cọt kẹt rên rỉ… và kinh khủng nhất là thứ âm thanh bệnh hoạn từ một đôi nam nữ đang “yêu” nhau. Không thể chịu được cảnh bị dày vò này nữa, gã quyết định phải chấm dứt chuyện này bằng mọi giá.
Sáng sớm, ngay khi thức dậy, gã liền sang gõ cửa phòng bên cạnh, nơi phát ra những âm thanh quái quỷ ấy. Một ả gái quần áo xộc xệch, hở hang ra mở cửa, giọng nói còn ngái ngủ:
- … có việc gì đấy?
- Tôi đề nghị cô hạn chế những tiếng động mà cô phát ra vào mỗi đêm. Thú vui của cô đang làm phiền người khác đấy, nhất là với tôi.
- Thú vui hả? Ờ, thú vui đó kiếm ra tiền đấy, nhờ thú vui đó tôi mới có cái ăn cái mặc đấy. Anh là cái thằng dở hơi phòng bên cạnh phải không?
Những câu nói chanh chua của ả như dội gáo nước lạnh vào mặt gã. Cơ mặt giần giật, gã măm môi không biết nói gì, rõ ràng gã thiếu lý lẽ và chưa có kinh nghiệm để nói chuyện với hạng người như ả. Gã cố nhịn, gã mà mất bình tĩnh trong lúc này thì sẽ nhận lấy một thất bại ê chề. Để lấy lại ưu thế, gã liền đặt một câu hỏi với một giọng lạnh tanh:
- Bao nhiêu?
- Bao nhiêu cái gì? Đồ dở hơi!
Chưa nghe ả nói hết câu, cánh cửa đã đóng cái “rầm” trước mặt gã. Gã cười méo xệch. Không chấp nhận thua cuộc, gã tiếp tục gõ cửa và chìa ra một xấp tiền khi ả vừa mở cửa:

- Từng này đủ chưa?

- Từng đó không đủ mua thú vui của tôi đâu. Thú vui của tôi đắt lắm! – Ả cười mỉa.
Gã chợt nhận ra trong câu nói của ả có sự tự ái, hạng người như ả cũng có sĩ diện? Câu nói đầu tiên của gã đã chạm vào đúng cái sĩ diện vàng ngọc của ả. Nhưng vấn đề này gã xem phim ảnh cũng nhiều rồi, đối với hạng người như ả, tiền không giải quyết được thì còn cách hữu dụng nhất là trả nhiều tiền hơn nữa?

- Từng này tiền thì sao? Tôi chỉ cần cô không quấy rầy tôi là được!
- Gã móc ra thêm hai xấp tiền như ban đầu đưa cho ả.
Đúng là hiệu nghiệm. Ả nhận tiền, ra vẻ còn ngạc nhiên với kẻ lập dị trước mặt. Ả chép miệng:

- Số này chỉ cho đêm nay thôi đấy nhé!

Gã đã thắng. Giá của chiến thắng có vẻ hơi cao. Với số tiền đó, gã có thể thuê một phòng ở khách sạn trong vài ngày. Nhưng nếu so sánh như thế thì gã đã không đến cái khu trọ cũ nát này để làm gì. Đối với gã, tiền là một thứ phù phiếm, chán ngắt, bằng sao được những tư tưởng lớn lao của gã, khi mà được tận hưởng một đêm bình yên và rồi cảm xúc sẽ thăng hoa để viết được nhiều hơn về cuộc đời .
Đêm. Gã gục đầu ngủ trên chiếc bàn gấp. Giấy tờ vứt bừa bãi khắp gian phòng, trang bản thảo trên bàn vẫn chưa ghi được chữ nào cả. Trong khi đó cuộc đời như cuốn phim quay chậm tời đi tời lại trong giấc mơ của gã.
Gã sinh ra trong một gia đình giàu sụ, có một ông bố là chủ tập đoàn kinh tế lớn ở Miền Bắc. Nhưng gã chưa bao giờ vui hay tự hào về điều đó. Ngay từ khi mới sinh ra, gã đã phải chịu sự dè bỉu của số phận. Một lão thầy bói, bạn của bố gã đã phán rằng: Gã là oan nghiệt từ kiếp trước của mẹ gã, sinh vào giờ tử, ngày tử không chết yểu là phúc đức, nhưng cũng không sống được đến năm hai mươi lăm tuổi. Trừ mẹ gã ra, ai cũng tin lời tiên đoán của lão thầy bói là sự thật. Bởi gã suýt chết yểu khi mẹ gã phải mổ đẻ suốt hai giờ đồng hồ. Tệ hơn là gã mang chứng suy tim từ nhỏ, bác sĩ bảo gã chẳng sống được bao lâu nữa.
Bố của gã không còn hy vọng vào gã, đứa con trai bị trời nguyền rủa. Ông ta hắt hủi mẹ con gã và đến với một người đàn bà khác có thể sinh hạ cho ông ta một đứa con trai toàn mỹ để kế thừa sự nghiệp. Ông ta cho mẹ con gã một căn biệt thự và một số tiền không nhỏ. “Với số tiền này, hai mẹ con cô sống cả đời không hết, hãy cố sống mà hưởng thụ. Đừng bao giờ làm phiền tôi”. Những lời ông ta nói có khác nào lời của người dưng nước lã đâu? Mẹ gã cũng chính vì thế mà sinh bệnh, rồi chết dần trong tuyệt vọng vì sự ghẻ lạnh của ông ta.

Ông ta hắt hủi mẹ con gã và đến với một người đàn bà khác (Ảnh minh họa)
Nhiều lúc, gã muốn cười mỉa mai cái sự đời là đến bây giờ gã vẫn còn sống. Ít ra là đến giấc mơ này, khi gã hai tư tuổi, ngấp ngoái trong đau khổ, để đợi đến hai lăm tuổi, để xem có chết như số mệnh hay không. Trong cái cuộc sống vô vị này, gã thực sự cô độc. Gã chỉ còn có tiền, một thứ vô tri xấu xa, đáng khinh bỉ, đã chà đạp lên tình cảm con người, chà đạp lên cuộc đời mẹ con gã.
Reng… reng… reng” - tiếng chuông đồng hồ inh ỏi vang lên giữa đêm kéo gã ra khỏi những cơn mộng mị. Tiếng chuông còn nhắc nhở gã đến giờ uống thuốc. Đối với căn bệnh đáng nguyền rủa trong gã, quên uống thuốc đồng nghĩa với tự sát. Uống thuốc là nghĩa vụ với số mệnh mà gã phải làm mỗi ngày. Sau khi uống thuốc xong, gã sửa soạn giấy bút, cố nhớ lại những giấc mơ vừa nãy, ghi chép vài chữ rồi ngồi suy tư đến tận trời sáng.
***
Bình minh, theo thói quen, gã đứng ở giữa sân từ sớm để hứng trọn những tia nắng mai trong trẻo, mát dịu đầu tiên của một ngày mới. Khu trọ này có một điểm mà gã rất thích: đó là khoảng sân rộng mà gã đang đứng, gần gốc me già, quan trọng hơn là thoáng đãng ở khoảng trời phía đông và tây, khoảng trời đẹp nhất lúc bình minh và hoàng hôn. Gã mải say sưa thưởng thức vẻ tuyệt diệu của bình minh mà ả gái nọ đứng bên cạnh lúc nào không biết. Ả nhìn gã chăm chăm như vật thể lạ.
- Bầu trời có chỗ nào rách hay thủng mà nhìn ghê thế? – Ả vừa nói vừa cười tủm tỉm.
Gã quay sang nhìn ả, điệu bộ thản nhiên như không thấy:
- Bầu trời xanh và đẹp! Cho dù tôi nói cả ngàn lý do về bầu trời cô cũng không hiểu.
- Ờ, đúng rồi! Chỉ có kiểu người như anh mới hiểu nổi. - Ả cười nhạt.
Chẳng hiểu sao, gã nhìn thấy trong đôi mắt tròn như bi ve của ả có sự thương hại, sự thương hại của một người khôn với kẻ tâm thần – còn ai khác ngoài gã. Mặt gã lạnh đi. Gã lên giọng:
- Cô có thể cười tôi. Mục đích cô đến để lấy tiền hôm nay chứ gì? Lát nữa tôi đưa cho. Còn bây giờ, xin lỗi, đừng làm phiền!

- Anh nghĩ tôi đến để lấy tiền của anh hả? Được! Cứ ngắm bầu trời của anh đi, rồi đưa tiền cho tôi. Đồ hâm.
- Ả tức giận bỏ về phòng.
Gã vẫn đứng bất động nhìn bầu trời, những tia nắng lấp lánh sáng rực trong mắt gã. Không riêng gì ả, chẳng ai có thể ngăn trở gã ôm trọn bầu trời trong tầm mắt. Bởi bầu trời của ngày hôm nay có thể là bầu trời cuối cùng của đời gã.
***
Đêm cô quạnh. Sự yên tĩnh như nguyện vọng của gã, đúng hơn là được gã mua bằng tiền. Nghĩ lại, ả cũng là người sòng phẳng, nhận tiền và không làm phiền gã nữa. Đó là đức tính mà gã cho là tốt ở những hạng người như ả. Suy cho cùng ả cũng không đáng trách, thứ đáng trách ở đây là tiền. Gã đang cuộn tiền thành từng xâu và lẩm bẩm chửi rủa nó. Đó là số tiền lãi gã mới đi rút ở ngân hàng về, chẳng biết tiêu gì, cứ cuộn mãi rồi bỏ vào thùng mì ăn liền và gọi nó là “Tiền ăn gì“. Với số tiền lãi năm trước, gã đã mua hẳn một hiệu sách cho bà vú trông coi, buôn bán thế nào không cần biết, tiện ở chỗ thỉnh thoảng bảo bà vú gửi cho vài cuốn sách hay để đọc giết thời gian.
Năm nay mua gì nhỉ? Hay sẵn đây bỏ ra vài cục để ném vào bản mặt mê tiền của ả, để tháng này khỏi quấy rầy mình?” - Gã đắc ý với sáng kiến vừa nghĩ ra. Nhưng nụ cười hiếm hoi của gã vụt tắt ngay khi có tiếng chuông báo giờ uống thuốc. Gã lắc đầu ngán ngẩm, ngả đầu trên bàn, lặng nhìn kim đồng hồ nhích từng giây một. Gã ngủ lúc nào không biết.
Gã lại mơ…
Trong mơ, gã hãy còn nhỏ, mặt xanh rờn, gầy gò như ma đói. Gã đang ngồi phục bên mẹ gã trong bệnh viện. Mẹ gã vẫn nhìn về một khoảng trời xanh qua ô cửa sổ, ánh mắt thăm thẳm như bầu trời, luôn nhìn về một hướng cho đến trước lúc lâm chung. Mẹ gã hỏi: “Bố có đến không con?”. Gã buồn thiu lắc đầu. Mẹ gã rơi giọt nước mắt cuối cùng trước khi vĩnh biệt trần thế. Gã lay người mẹ, lay mãi mà mẹ gã không tỉnh lại. Sợ hãi, gã khóc nấc lên rồi ngất luôn bên thi thể mẹ gã…
Gã chợt tỉnh giấc vì trái tim tự nhiên buốt nhói. Gã nhìn đồng hồ, đã chậm ba tiếng uống thuốc. Cơn đau ập đến dữ dội, cảm tưởng có một sức nặng khủng khiếp đang đè lên ngực gã. Đầu óc choáng váng, gã tuột tay rơi lọ thuốc xuống gầm giường. Muốn kêu cứu nhưng không mở miệng ra được, gã lao về phía cửa chính một cách vô thức, trước khi đổ gục xuống như một cây chuối bị người ta đốn ngã.
Gã sẽ chết như định mệnh?
Gã vẫn sống và đang nhìn bầu trời cao vời vợi qua ô cửa sổ bệnh viện. Bên cạnh gã, một người con gái mắt tròn như bi ve đang gọt táo. Chính là ả, người ở trọ cạnh phòng gã, người mà gã vẫn thường bỏ tiền ra mua sự bình yên. Ả vừa gọt táo vừa nói liên hồi:
- Anh không có ai thân thích ư? Tiền viện phí tôi đóng hộ anh rồi, lo mà trả cho tôi… Mà sao anh cứ nhìn mãi bầu trời thế, không chán à… Bác sĩ bảo tăng liều thuốc duy trì cho anh rồi đấy. Tốt nhất anh nằm luôn tại bệnh viện theo dõi một thời gian. Bác sĩ nói ghép tim cũng có người sống thêm vài chục năm. Quan trọng là…
- Số mệnh! - Gã cắt ngang lời của ả.
“Con người có thể thay đổi số mệnh” – Ả lẩm bẩm nhưng đủ cho gã nghe thấy.
Gã quay lại, thấy ả đang trầm tư nhìn ra cửa sổ. Ả đang hoang mang về câu nói của chính ả? Sự im lặng khiến không khí trong phòng như đang bị cô đặc lại. Gã lạnh lùng đặt một câu hỏi để phá tan cái không khí ấy:
- Tôi nợ cô tất cả bao nhiêu tiền?
- Đây là giấy kê tiền viện phí, chi phí ăn uống, thuốc thang. Riêng tiền công chăm sóc anh lần này tôi miễn!

- Cô chê tiền? Tốt quá! Nhưng tôi không cần miễn. Cô cứ ghi hết vào đấy cho tôi.

- Tôi không tốt! Nhưng tôi vẫn là một con người. Anh bỏ cái giọng coi thường đấy đi. - Ả cau mày. – Tôi chưa bao giờ thấy một người nào gàn dở, coi tiền như cỏ rác như anh.
Gã nhếch mép cười. Đó là kiểu cười khi gã không thích nói về vấn đề nào đó nữa. Thế nên câu chuyện được chuyển chủ đề bằng một câu hỏi chẳng liên quan:
- Cô tên gì?
- Tên Làn.
- Vậy đi thôi Làn!
- Đi đâu hả?
- Về chỗ trọ.- Gã nói và bước nhanh ra cửa, mặc cho ả lải nhải phía sau.
Lại một lần nữa gã từ cõi chết trở về. Dường như định mệnh muốn trêu ngươi gã. Đã rất nhiều lần, khi nhìn ngắm bầu trời gã đã hỏi một câu như ả đã từng nói: con người có thể thay đổi số mệnh?
***
Từ ngày thân với gã, ả ít đi khách hẳn. Thay vào đó, ả thường quanh quẩn bên phòng gã. Chiều chiều, người ta vẫn thấy ả hay sang phòng gã, ở trong đó một lúc lâu mới về. Ả sang là để kể chuyện cho gã viết sách. Gã muốn khi gã chết đi sẽ để lại dấu ấn gì đó cho đời, và viết sách là một sự lựa chọn không tồi cho cái lý tưởng vĩ đại ấy. Có điều, không hiểu sao, gã bế tắc viết về cuộc đời gã nhưng lại cảm thấy rất hứng thú khi viết về cuộc đời ả. Chính vì thế mà ả là người duy nhất được vào phòng trọ của gã, tâm sự với gã. Tất nhiên, gã phải cho ả tiền hàng ngày, trả lương cho một công việc đầy nhân văn như thế.
- Hôm qua tôi kể đến đâu rồi nhỉ? - Ả ăn mỳ, miệng nhồm nhoàm nói.
Gã lật lại trang bản thảo, nhanh chóng trả lời ả:
- Đến đoạn bị thằng người yêu lừa vào nhà hàng.
Ả đặt tô mỳ lên bàn. Bắt đầu nhớ lại những ký ức xa xôi, nghiệt ngã của đời mình:
- Thằng khốn nạn, nó lừa bán tôi vào nhà hàng. Tôi bị nhốt hai ngày phòng kín, chúng lột quần áo và ép tôi tiếp khách. Tôi bắt buộc phải tiếp khách, không thì chịu đủ sự dày vò của bọn chúng, nào thì đánh đập, rồi bị trói chân, trói tay vứt lên giường cho mấy thằng bảo kê hành hạ… Mấy ngày đầu tôi tủi nhục muốn chết nhưng nghĩ đến bố mẹ ở quê nên gắng gượng chịu đựng… Lâu dần thành quen cái nghề mạt hạng này.
Gã nhìn ả, ả kể xong mà gã không hề hay biết. Gã đang thử tưởng tượng ra những đau khổ mà ả đã phải chịu đựng, cuộc đời ả về mặt nào đó còn bất hạnh hơn gã nhiều lần. Đôi mắt to của ả chất chứa những nỗi buồn, trong sâu thẳm đang nhen nhóm hy vọng như một đôi mắt luôn ám ảnh trong lòng gã. Gã chợt nhận ra, đôi mắt ả đang nhìn gã, có cả sự dò xét lẫn thương cảm. Gã lảng mặt đi, uể oải đứng dậy, hắng giọng:
- Hôm nay tạm nghỉ! Hoàng hôn, cô biết tôi phải ra sân làm gì rồi đấy? Nếu muốn, cô có thể ngắm cùng, bầu trời của cô chắc đẹp không kém bầu trời của tôi đâu.
- Bầu trời của tôi đẹp hơn của anh là cái chắc. – Ả hớn hở. - Nhưng bây giờ tôi phải đi mua đồ, tiện thể qua tiệm giặt là lấy quần áo cho anh nữa chứ?
- Tùy cô! Đa số con người lấy lý do bận bịu để khỏi phải hòa mình vào thiên nhiên. Đấy là họ tự đánh mất cơ hội!
Gã mở cửa phòng, bước ra khoảng sân ngập tràn ánh hoàng hôn. Hoàng hôn chan hòa khắp xóm trọ, làm rạng hồng ánh mắt, nụ cười người con gái đi sau gã.

Ả đã phải chịu đựng sự dày vò trong suốt một thời gian dài (Ảnh minh họa)
***
Một đêm giữa tháng bảy. Trời sắp có bão nên oi bức khủng khiếp. Bình thường sống trong biệt thự có điều hòa, nay sống trong căn phòng trọ lụp xụp vỏn vẹn mười hai mét vuông, nóng hầm hập như lò hơi khiến gã bức bối không chịu được. Nằm trằn trọc mãi, gã quyết định ra nhà tắm dội vài gáo nước mát cho dễ ngủ.
Khu trọ này có mười hai phòng tất cả nhưng chỉ có duy nhất một nhà tắm và một nhà vệ sinh. Tuềnh toàng và nhếch nhác. Ả ở đây lâu nên biết nhiều câu chuyện hãi hùng kể lại cho gã. Ví dụ như chuyện hai gã phòng số tám và mười bị tào tháo đuổi cùng một hôm, tranh giành nhà vệ sinh đến nỗi đánh nhau sứt mặt vỡ đầu. Rồi chuyện lão bốc vác ở phòng số bảy nhòm trộm ả đang tắm bị ả ném luôn cái quần lót vào mặt…
Đây là lần đầu tiên gã tắm ở khu trọ này (bình thường gã phải đi bộ ra đầu ngách để giải quyết nhu cầu cá nhân ở nhà chủ trọ). Phòng tắm ở góc trong cùng, gần phòng số mười hai, là phòng của ả. Phòng số mười hai vẫn sáng đèn. Ả vẫn chưa ngủ? Thời tiết thế này ngủ ngon được mới là chuyện lạ. Không nghĩ nhiều, gã rảo chân bước vào phòng tắm. Bật đèn, gã vô cùng sửng sốt khi thấy một người con gái lõa thể đang ngồi ôm gối trong góc nhà tắm. Là ả. Ả đang khóc không thành tiếng, mắt nhắm lại nhưng nước mắt thì không ngừng chảy ra.
- Xin lỗi! Tôi không biết cô đang tắm. - Gã bối rối quay mặt đi ra.
Ả khóc nức nở, tiếng sụi sùi xen lẫn nấc nghẹn.
- Cô bị sao vậy? - Gã đứng ngoài cửa hỏi.
- Anh vào đây với tôi một lúc được không?
“Nhưng cô chưa mặc quần áo” – gã định nói như vậy nhưng lại thôi. Mười thằng nói câu đấy trong hoàn cảnh này thì chín thằng là ngụy quân tử. Gã hít sâu một hơi rồi bước vào nhà tắm, ngồi xuống cạnh ả. Gã đưa bộ quần áo trên tay cho ả để che đi những phần nhạy cảm, rồi hỏi:
- Sao? Có chuyện gì hả? Người cô nồng nặc mùi rượu!
- Chị gái tôi gọi điện bảo mẹ tôi ở quê ốm nặng lắm… lần này không chắc có qua khỏi không!
- Thế thì cô về quê mà thăm mẹ.
- Tôi không dám về… Tôi là một con đĩ… một con đĩ. – Ả nghẹn giọng nói. – Tôi là một đứa con bất hiếu… một đứa con khốn nạn… Tôi nói dối mẹ rằng tôi không phải là đĩ… rằng người yêu tôi trên thành phố này rất giàu… và tôi đang làm quản lý cho nhà hàng của anh ta… Anh thấy tôi có khốn nạn không?
- Chẳng ai muốn như thế cả! Nếu là tôi, tôi cũng nói dối.
- Tôi không biết làm thế nào nữa… Mẹ dặn chị ba bảo tôi dẫn người yêu về ra mắt họ hàng rồi tổ chức đám cưới thì mẹ mới yên tâm nhắm mắt… Tôi… Cái thai trong bụng tôi đã gần bốn tháng rồi…. Sao một con đĩ như tôi lại tin vào một thằng đàn ông ăn bám vợ cơ chứ? Tôi là nỗi ô nhục của họ hàng… tôi chết quách đi cho xong!
Những ánh chớp liên tiếp lóe lên rạch chằng chịt vào khoảng trời. Gã nhìn thấy sự giằng xé trong ả. Ả đang khóc thảm thiết và cào vào đùi đến tươm máu.
- Chết là hết… Tôi chết bố mẹ sẽ không ô nhục vì tôi – Ả gằn giọng, đột ngột đứng dậy vứt trả gã bộ quần áo đang che trên người. - Đây, anh làm gì tôi thì làm, tôi xin anh một ân huệ… kiếp sau tôi sẽ làm trâu làm ngựa cho anh… Ngày mai xin anh mang xác tôi về với bố mẹ tôi…
Gã bật dậy, lùi lại khi ả đang tiến đến chỗ gã, dí sát cơ thể lõa lồ vào người gã. Nhục dục? Với gã đây không phải thứ nhục dục khiến người ta mê dại, sợ hãi hay kinh tởm. Đây chỉ là sự vùng vẫy điên loạn theo bản năng của một người đàn bà, một người đàn bà tuyệt vọng không biết làm gì hơn là đem cái thân xác mặc cảm là nhơ nhuốc của mình ra để cầu xin một ân huệ.
- Dừng lại! Cô điên rồi.
- Tôi không điên! Tôi sẽ chết… xin anh hãy mang xác tôi về cho bố mẹ tôi.
Ả nói và lao đầu vào tường. Gã bàng hoàng không kịp phản xạ. Sau tiếng va đập mạnh, ả đổ gục xuống nền ngay dưới chân gã. Máu! Máu chảy vào bóng tối.
Trời bắt đầu nổi gió. Vô vàn những cơn gió trốn trong những kẽ nứt của bóng đêm ào ào đổ ra cuốn cát bụi tung mù mịt. Mưa tới tấp rơi. Nhập nhòa dưới màn mưa, một người đàn ông cõng một người đàn bà lõa thể chạy lao về ánh sáng…
Ả vẫn sống, nằm quay lưng về phía gã, nhìn xa xăm về bầu trời qua ô cửa bệnh viện. Ngoài kia, trời vẫn xanh, gió vẫn thổi, mây vẫn trôi. Phải chăng ả cũng tìm kiếm một thứ gì đó ở bầu trời? Đó là tuyệt vọng, hy vọng hay chỉ là sự bình yên đến trống rỗng?
- Cô có định về quê hay không?- Gã hỏi.
Ả im lặng không trả lời.
- Định im lặng như này đến bao giờ?

Ả úp mặt xuống gối, vừa khóc vừa hét lên:
- Anh im đi! Sao anh không để tôi chết cơ chứ?
- Cô thích chết chứ gì! Lao đầu ra cửa sổ mà chết đi! Rồi tôi sẽ đứa xác cô về, rồi kể cho bố mẹ cô rằng, con của các người lên thành phố làm đĩ như thế nào. – Gã nhếch mép cười rồi nói tiếp.- Xóa cái ý nghĩ ngu ngốc đó đi! Cô còn nhiều mục đích sống hơn tôi. Thằng bệnh này sẽ theo cô về quê và đóng vai cha đứa trẻ trong bụng cô. Đằng nào cũng chết nên điều đó chẳng có nghĩa lý gì với tôi cả.
Gã để cốc nước và mấy viên thuốc lên bàn rồi lặng lẽ rời khỏi phòng. Ả ngỡ ngàng quay lại; gã vẫn bước đi, bình thản và lạnh lùng. Hai mắt ả cay xè, một nỗi niềm khó tả đang tràn ra từ khóe mắt.
Ngoài kia, bầu trời đã bắt đầu ngả màu hồng, những lớp mây mỏng quyện vào nhau bồng bềnh trên những tia nắng nhẹ dịu của hoàng hôn.
***
Về quê.
Đã bốn năm rồi ả chưa về quê. Hàng tháng, ả vẫn đều đặn gửi tiền về nuôi gia đình với những những người bệnh, người già và đám trẻ con nheo nhóc. Người nhà ả chỉ biết ả làm trên thành phố nhiều tiền chứ không hề biết rằng ả đã phải bán rẻ thân xác mình, làm ngày cũng như làm đêm. Trước đây, gã từng định kiến những người như ả là hám tiền, mù quáng vì tiền nhưng chỉ khi chứng kiến tận mắt những khó khăn của ả, gã mới thấy được những đồng tiền mà gã cho là vô tri, đáng khinh bỉ có giá trị như nào đối người nghèo.
Về đến nhà, ả chạy ngay đến bên mẹ. Mẹ ả tiều tụy nằm trên giường. Bà mừng rơi nước mắt khi thấy con.
- Mẹ! Con bất hiếu bây giờ mới về thăm mẹ được! – Ả sà vào lòng mẹ khóc nức nở.
Cảnh tượng này gợi lên trong gã những cảm giác nao buồn về tuổi thơ. Lúc gã năm tuổi, gã thường sà vào lòng mẹ, nghịch cái bầu vú tròn tròn êm êm của mẹ. Mẹ mắng gã lớn rồi mà còn như trẻ con. Thế rồi đến năm sáu tuổi, một ngày mẹ tự dưng đòi ôm gã và ngay chiều hôm ấy, bà qua đời trên giường bệnh.

- Mẹ! Đây là anh Tâm, chồng con! Chúng con đăng ký kết hôn trên thành phố rồi mẹ ạ!”
- Ả kéo gã lại gần giới thiệu cho mẹ.
Gã gật đầu chào mẹ ả, không biết nên nói gì trong hoàn cảnh này. Gã bùi ngùi khi mẹ ả nói lời cảm ơn. Trong ánh mắt mẹ ả, gã như một ân nhân đã cưu mang và đưa con gái trở về bên bà. Gã chưa từng hối hận khi cùng ả trở về miền quê này, đóng vở kịch này và đến bây giờ gã thấy được đó là một việc ý nghĩa nhất mà gã có thể làm, thay vì ngồi viết sách…
***
Thời gian lẳng lặng trôi đi. Hết cúng tuần, cúng bốn chín, cúng trăm ngày mẹ ả, gã vẫn ở bên cạnh ả, nơi miền quê bình dị và đơn sơ này. Ả không hỏi gã bao giờ sẽ trở về thành phố bởi, gã thích ở hay đi thì dù ả có thúc giục hay níu kéo cũng vậy thôi. Ả tôn trọng quyết định của gã, còn gã thì vẫn lặng lẽ trong thế giới nội tâm phức tạp của riêng gã.
Gã trầm ngâm xé một tờ lịch: một ngày lại trôi qua. Như vậy là còn hai mươi tư ngày nữa là gã bước sang tuổi hai mươi lăm, ngày mà theo lời nguyền từ quá khứ gã sẽ không thể tồn tại trên cõi đời này.
Ả đang ngồi trên giường, thở mệt nhọc, cái thai trong bụng đã hơn tám tháng… Ả vừa đan áo len vừa ủ ê với đứa con trong bụng: “Mẹ thật tệ khi định giết con mấy lần… Con gái à, khi con lớn đừng bao giờ quen những người hèn hạ và tệ bạc như thằng bố chết dẫm của con. Con phải mạnh mẽ như một người…”. Ả nói và quay sang nhìn gã.
- Dạo này anh trông anh ốm quá. Anh lên gường mà ngủ. Ngủ dưới nền có ngày cảm lạnh chết thẳng cẳng.
- Cô không phải lo. Tôi không chết dễ dàng thế đâu! – Gã điềm nhiên nói.
- Anh sợ đàn bà à? Anh đã từng yêu chưa?

- Cô hỏi chuyện đó làm gì? -
Gã hỏi vặn lại để lảng tránh câu trả lời.
- Hỏi để biết chứ hỏi để làm gì. Tôi cũng không tin anh vô cảm với đàn bà.
- Đàn bà cũng có nhiều loại! Mẹ tôi và mẹ cô cũng là đàn bà. Tôi coi trọng họ hơn bất kỳ ai khác.

- Ờ, anh nói đúng. Thế theo anh tôi là loại đàn bà gì?

- Đàn bà lắm mồm!
- Lắm mồm còn tốt hơn cái khúc gỗ như anh! - Ả hậm hực nhìn gã.
Gã cười. Nhìn ra bầu trời bằng cái nhìn u uẩn. Trời không sao, đen đặc, mông lung và đầy bí ẩn. Còn ả tiếp tục với những mũi đan. Những mũi đan thanh thoát như nhảy múa theo một bản nhạc không lời.

Hàng tháng, ả vẫn đều đặn gửi số tiền tích cóp được về nuôi gia đình (Ảnh minh họa)
***
Còn ba ngày nữa gã hai mươi lăm tuổi.
Gã sắp xếp hành lý với quyết định tìm đến một nơi hoang vu không một bóng người để tĩnh tâm trong những ngày có thế là cuối cùng của cuộc đời. Gã phải đi. Suy nghĩ đó hối thúc gã mấy ngày hôm nay. Nhưng có gì đó vô hình níu giữ khiến gã chần chừ chưa đi được. Dù gì thì cũng quá muộn rồi. Đối với gã, một khi suy nghĩ đã trở thành quyết định thì không một ai, ngay cả bản thân gã có thể thay đổi được.
- Anh đi đâu? - Ả hỏi
- Cô không cần biết!
- Anh đừng đi. Anh còn tôi. Còn gia đình này mà!
- Đây chỉ là một vở kịch, cô hiểu chứ? – Gã chậm rãi nói. - Cô hãy sống tốt và chăm con cho tốt. À, cô còn nhớ thùng mỳ ăn liền tôi mang về mấy hôm trước không, tôi cho cô đấy…

- Tôi không cần thứ đó! Tôi cần anh… Anh phải sống… phải sống đấy!
Ả khóc và quỳ sụp dưới chân gã. Gã không nghĩ là tình cảm ả dành cho gã lại trở nên sâu nặng đến thế. Liệu có là sai lầm khi nhập vai quá lâu trong một vở kịch? Hệ lụy của tình cảm sẽ khiến con người ta trở nên yếu đuối và sợ chết. Gã không muốn chết, nhưng sẽ sớm phải đối diện với nó, thế nên gã phải dứt khoát đưa ra một quyết định.
Gã lạnh lùng xách hành lý bỏ đi. Gã sẽ ngẩng cao đầu và bước những bước dài như cách gã vẫn thường làm. Nhưng lần này thời gian như bị thứ gì đó hãm lại. Chậm chạp và dai dẳng. Còn bầu trời thì nhòe đi qua một lớp sương.
***
Ngày cuối cùng của tuổi hai mươi tư.
Gã đang ở một căn nhà heo hắt giữa đỉnh đồi. Tầm một tháng trước, chiều nào gã cũng ra ngoài để tìm mua một khu nhà yên tĩnh như thế này. Chủ cũ căn nhà vô cùng kinh ngạc khi gã bỏ một số tiền lớn để mua căn nhà và một khoảng đồi, với điều kiện, không được cho bất cứ một ai biết chuyện này.
Từ sáng đến chiều, gã thường nằm trên một chiếc võng, được mắc vào hai cây bạch đàn già trước cửa, nhìn về khoảng trời nhỏ lộ qua những tán lá cây, lắng nghe tiếng gió thổi, tiếng chim hót, và gặm nhấm sự cô độc tuyệt đối mà gã mua được bằng tiền.
Đêm. Gió trên đồi lạnh đến tê tái. Gã vẫn nằm trên chiếc võng mây, trong bóng tối mịt mùng. Gã tưởng tượng những bóng đen của đêm đang chen lấn nhau xâm chiếm cơ thể gã. Gã bắt đầu khó thở. Cảm giác các mạch máu đang sôi lên và chuẩn bị vỡ ra. Gã run rẩy bỏ vốc thuốc chuẩn bị sẵn vào mồm. Mất thăng bằng, gã bị rơi khỏi chiếc võng, nằm sõng soài dưới nền đất. Gã không thể ngồi dậy, cũng không muốn ngồi dậy. Gã muốn mở mắt thật to để nhìn thấy sự thật về cuộc đời. Nhưng gã bắt đầu lịm đi… lịm đi…
Trong khi đó, ở bệnh viện ả đang nằm trên bàn mổ. Bác sĩ chuẩn đoán ả thai ngược nên phải mổ đẻ. Ả đang nghĩ về ngày mai – ngày định mệnh mà gã thường nhắc tới với nỗi hoang mang, lo sợ. Sinh linh bé nhỏ trong bụng ả sẽ vượt qua được thử thách đầu đời là ca mổ này không? Và gã đang ở đâu? Liệu có trở về không? Ánh đèn mổ lấp lóa mờ dần đi khi ả ngấm thuốc gây tê. Người ta thấy một giọt nước mắt lăn dài trên má ả trước khi bắt đầu ca mổ.
Trên đỉnh đồi, gã vẫn đang nằm bất động. Gió cuốn vài chiếc lá khô phủ lên người gã. Tiếng thở yếu ớt của gã lạc lõng và dường như mất hẳn trong tiếng u u vọng về từ bốn xung quanh đồi.
Gió! Gió mỗi lúc một mạnh hơn. Nhưng kỳ lạ thay không một cơn gió nào có thể cuốn bay tờ giấy nhỏ nằm trong tay gã. Trên tờ giấy có một dòng chữ non nớt, nghuệch ngoạc của một đứa bé viết lại câu nói của mẹ nó: “Dù thế nào trời vẫn xanh phải không con?”.
***
Bầu trời luôn theo một vòng luân hồi bất tận, hết đêm lại đến ngày. Bình minh tươi sáng dần xóa tan vẻ ảm đạm của đêm tối.
Ngày đầu tiên của tuổi hai mươi lăm, gã nhận ra trái tim vẫn đang khẽ đập. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho câu trả lời về số mệnh, về cuộc đời gã. Nhưng gã sẽ không khóc, không cười hay vỡ òa hạnh phúc như trước đây từng tưởng tượng. Gã thở nhẹ. Nhẹ đến nỗi không làm lay động một chiếc lá khô rơi trên sống mũi. Từ đây, gã sẽ không phải sống trong cảm giác sợ hãi, trong đau khổ, trong sự đợi chờ… bởi thứ mà gã đã và đang tìm thấy được chính là bình yên!
Qua một ô cửa sổ ở bệnh viện, ả đang ôm đứa con bé bỏng của mình nhìn về bầu trời. Trong đôi mắt đang he hé mở của đứa bé cũng có một bầu trời.
Một bầu trời đang mở ra, cao rộng hơn và có màu xanh!