Những điều thú vị có thể bạn chưa biết về Facebook
Khởi thủy của Faccebook là một phiên bản “Hot or Not” tại trường đại học Harvard với tên gọi Facemash. Facemash được Mark Zuckerberg khai sinh vào ngày 28 tháng 10 năm 2003. Lý do ra đời của dịch vụ này cũng rất đặc biệt, bởi khi đó Mark Zuckerberg đang viết blog về một cô nàng và phải cố gắng nghĩ thứ gì đó để bớt tương tư.
Sang học kỳ tiếp theo, Mark Zuckerberg thành lập "The Facebook", ban đầu có tên gọi thefacebook.com, vào ngày 4 tháng 2 năm 2004. Sau đó, chữ “The” đã được lược bỏ khỏi tên sau khi mua tên miền facebook.com vào năm 2005 với giá 200.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng).
Tiền đầu tư
Facebook nhận được số tiền đầu tư đầu tiên từ Peter Thiel, đồng sáng lập và cựu CEO của Paypal. Với 500.000 USD (khoảng 10 tỷ đồng) đầu tư ban đầu đó, Mark Zuckerberg đã bắt đầu tạo nên “đế chế” của riêng mình.
Facebook lấy xanh dương làm màu chủ đạo
Bạn có bao giờ để ý rằng mọi thứ tại Facebook đều là màu xanh dương, từ thiết kế logo cho tới giao diện chính của trang Facebook. Lý do thật đơn giản. Chẳng phải ông chủ Mark Zuckerberg yêu thích màu xanh dương, mà bởi anh chàng bị mù màu đỏ - xanh lá. Vì vậy nên xanh dương là màu sắc tốt nhất anh nhìn thấy được.
Kiện tụng
Facebook phải đối mặt với vụ kiện từ các bạn cùng lớp của Mark Zuckerberg, những người cho rằng Facebook đã ăn cắp mã nguồn và tài sản trí tuệ của họ. Tuần đầu tiên sau khi thành lập Facebook, ba sinh viên Harvard khác cáo buộc Mark Zuckerberg chôm ý tưởng của họ. Vụ việc bùng nổ thành một vụ kiện um sùm, kéo dài trong mấy năm liền. Cuối cùng, ba sinh viên kia nhận được khoản đền bù 65 triệu USD (khoảng 140 tỷ đồng) nhưng Mark Zuckerberg vẫn khẳng định anh không hề ăn cắp ý tưởng của ai cả.
Đăng ký bản quyền cho từ “face”
Ngày 24/11/2010, Facebook nhận được một văn bản chấp thuận của văn phòng thương hiệu và bằng sáng chế Mỹ với nội dung công nhận bản quyền từ “face” và bảo vệ tên hiệu đó trong lĩnh vực truyền thông và mạng xã hội trực tuyến. Đến hết tháng 4 này, Facebook sẽ vượt qua 6 tháng thử thách và hoàn thành việc bảo vệ tên tuổi của mình.
Những điều thú vị khác
70% người dùng Facebook sinh sống bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Và hiện nay, Facebook đã có hơn 70 ngôn ngữ khác nhau. Mỗi ngày, có 200 triệu người truy cập Facebook bằng điện thoại di động. Trong một tháng, trung bình Facebook sở hữu khoảng… 770 tỷ lượt truy cập.
Top 5 Facebook page nổi tiếng có lượng fan đông đảo nhất là Texas Hold'em Poker, Facebook, Eminem, Lady Gaga và Michael Jackson (thời điểm tháng 3/2011).
Một nửa dân số Đan Mạch có tài khoản Facebook của riêng mình (số liệu năm 2010).
Theo website thống kê và sắp xếp thứ hạng Alexa.com, Facebook hiện nằm trong số trang web có lượng truy cập lớn thứ 2 trên thế giới, đứng sau Google (tính tới thời điểm hiện tại).
Năm 2006, Facebook được Yahoo đề nghị mua lại với giá 1 tỷ USD (khoảng 20.000 tỷ đồng), nhưng Mark Zuckerberg đã từ chối. Vào năm 2007, CEO của Microsoft là Steve Ballmer đã từng ngỏ ý mua lại Facebook với cái giá 15 tỷ USD (khoảng 300.000 tỷ đồng). Rốt cục, ông trùm phần mềm cũng bị ra rìa.
Giá trị hiện tại của Facebook được ước tính vào khoảng 65 tỷ USD (khoảng 1.365.000 tỷ đồng). Mới đây, 2 tập đoàn đầu tư tài chính là Goldman Sachs và Digital Sky Technologies đã rót thêm 500 triệu USD (khoảng 11.000 tỷ đồng) vào Facebook.
Trung bình mỗi tháng, tổng thời gian mà các thành viên dành ra để truy cập Facebook là 8,3 triệu giờ. Lượng người truy cập Facebook tăng ổn định từ năm 2009. Trong ngày 13 tháng 3 năm 2010, số người truy cập Facebook đã vượt qua lượng người truy cập vào Google.
Một thành viên trên facebook sở hữu trung bình khoảng 130 bạn bè, có 8 lời mời kết bạn gửi đi trong một tháng, tạo ra khoảng 90 nội dung (status, ảnh, link…) trên wall mỗi tháng.
Tổng số ứng dụng được phát triển trên Facebook là hơn 550.000 và vẫn đang tiếp tục tăng mạnh.
Hiện tại, có khoảng 10.000 server được sử dụng để duy trì Facebook vì số thành viên và lượng truy cập quá lớn. Theo ước tính, Facebook sẽ phải bỏ ra thêm 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) để nâng cấp hệ thống của mình.
Facebook cho phép truy cập vào trang profile của người dùng, lưu trữ thông tin cả khi tài khoản chủ nhân đã bị xóa. Chính điều này đã làm dấy lên những tranh cãi về tính bảo mật khi sử dụng mạng xã hội này.
Tại Úc, tòa án có thể gửi các lệnh thông qua Facebook và những người có liên quan phải phục tùng. Lệnh gọi của tòa án trên Facebook có giá trị pháp lý như văn bản giấy.
Facebook lấy nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo và các sản phẩm ảo. Các nhà quảng cáo có thể thu thập thông tin người dùng từ profile của họ, sau đó tiếp cận tới một phân khúc người sử dụng xác định.
Tại một số nơi trên thế giới, các bác sĩ đã thống nhất với nhau về một hội chứng mang tên "cuồng Facebook".
Facebook đã thay đổi cơ bản cách thức mọi người tương tác với nhau và tạo ra hệ thống mạng xã hội mà chưa một ai có thể hình dung ra quy mô của nó. Tạp chí Time uy tín đã bầu chọn Zuckerberg là “Nhân vật của năm 2010”. Hiện Facebook vẫn đang phát triển ngày càng lớn mạnh.
Mark Zuckerberg chỉ thiếu một thứ
Mark Zuckerberg là nhân vật của năm 2010 do tạp chí Time bình chọn, và anh chàng chỉ thiếu một thứ duy nhất trong sơ yếu lý lịch: bằng đại học.
Sau khi hoàn thành ý tưởng về mạng xã hội giao tiếp, Mark Zuckerberg quyết định rời khỏi trường đại học danh tiếng Harvard để tập trung hơn cho cục cưng Facebook. Công bằng mà nói, đó là một quyết định không tồi chút nào. Và nếu Mark Zuckerberg làm khác đi thì chúng ta đã chẳng có một sản phẩm tuyệt vời mang tên Facebook.
Tài sản của Mark Zuckerberg (tới tháng 3/2011)
Hiện nay, theo ước tính thì tổng số tài sản của Mark Zuckerberg đã lên tới 13,5 tỉ USD (khoảng 295.000 tỷ đồng), tăng hơn gấp 3 lần so với năm ngoái. Năm 2010, giá trị tài sản của Mark Zuckerberg chỉ là 4 tỉ USD (khoảng 88.000 tỷ đồng), xếp thứ 212 trong số các tỉ phú giàu nhất thế giới.
Zuckerberg thuộc trường phái cổ điển
Facebook là một bước tiến hoàn toàn mới trên lĩnh vực mạng xã hội, chưa từng xuất hiện trước đó. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Mark Zuckerberg thuộc tuýp người theo trường phái cổ điển.
Khi còn học ở trường trung học Ardsley (New York), anh chàng tỏ ra xuất sắc trong các môn thuộc trường phái cổ điển. Sau đó Mark Zuckerberg học thêm tiếng Latin và càng say mê hơn với các tác phẩm thời xa xưa. Thậm chí, anh chàng còn nổi tiếng với khả năng nhớ và trích dẫn những dòng thơ thú vị trong các bản hùng ca như “The Iliad” vào thời gian học tại Harvard .
Tiền không phải là tất cả với Mark Zuckerberg
Trong năm 2010, dù đã trở thành một trong những tỉ phú trẻ nhất của nước Mỹ nhưng Mark Zuckerberg không hề kiêu ngạo. Thậm chí, anh chàng còn chẳng quan tâm lắm tới tiền. Bằng chứng là khi Facebook được hỏi mua với giá 1 tỉ USD (khoảng 20.000 tỷ đồng) trước đây, Mark Zuckerberg đã từ chối thẳng thừng.
Có thể ai đấy đoán rằng Mark Zuckerberg đang chờ đợi cái giá hấp dẫn hơn. Nhưng khi được hỏi về lý do, anh chàng trả lời rằng Facebook không phải để bán. “Đó là một đứa con của tôi, tôi muốn tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng nó trưởng thành”, Mark Zuckerberg chia sẻ.